Lễ hội Nghinh Ông
Là lễ hội truyền thống nổi tiếng trên huyện đảo Phú Quốc, đây cũng được xem là lễ hội cầu ngư lớn nhất trong năm của người dân nơi đây. Lễ hội được tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng 8 âm lịch hàng năm. Cũng giống như những ngư dân ở các vùng biển khác, ngư dân huyện đảo Phú Quốc cũng tưởng niệm những linh hồn của thần biển linh thiêng, vị thần luôn che chở cho họ trước những trận cuồng phong trên biển. Lễ hội này là dịp để ngư dân nơi đây tưởng nhớ “Đức Ngài Cá Ông”, mang ý nghĩ cầu cho sóng yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn cho người dân trên đảo.
Lễ hội Nghinh Ông - Phú Quốc
Theo phong tục, nghi thức của lễ hội Nghinh Ông ở Phú Quốc được chia thành 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm lễ rước và lễ tế. Trong phần lễ, người dân sẽ rước kiệu Nghinh Ông từ biển và rước về lăng, dọc theo đường rước, ngư dân sẽ bày các lễ vật ra để nghênh đón, cùng với đó là các đoàn múa lân, sư tử nhảy múa chào đón “Ông” vô cùng nhộn nhịp. Sau lễ rước là lễ tế đầy trang trọng của ngư dân với tất cả sự thành kính. Sau cùng là phần hội, người dân sẽ tổ chức ăn mừng và múa hát vui nhộn.
Lễ hội Nguyễn Trung Trực
Cũng là một lễ hội lớn ở Phú Quốc, lễ hội Nguyễn Trung Trực được tổ chức từ năm 1996, khi đền thờ vị anh hùng này được xây dựng ở đây. Lễ hội thường diễn ra từ ngày 27/8 âm lịch hàng năm, được tổ chức ngay tại đền thờ nằm trên địa bàn xã Gành Dầu cách trung tâm huyện đảo Phú Quốc gần 40km. Đây là lễ hội mang ý nghĩa góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc, tôn vinh và ghi nhận công lao của những vị anh hùng đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, lễ hội Nguyên Trung Trực cũng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hiện tại và mai sau. Lễ hội được tổ chức với phần lễ trang nghiêm và phần hội nhộn nhịp qua các chương trình văn nghệ và trò chơi dân gian vô cùng đặc sắc.
Người dân tưng bừng tổ chức lễ hội Nguyễn Trung Trực
Lễ hội Dinh Bà Ông Lang
Ngày 18 - 19/1 âm lịch hàng năm tại Dinh Bà Ông Lang, cách trung tâm thị trấn Dương Đông 7km, người dân vùng đảo tổ chức lễ hội Dinh Bà Ông Lang rất trang nghiêm nhằm tưởng nhớ công lao của vợ người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - Bà Kim Giao. Đây cũng là lễ hội mang ý nghĩa cầu sức khỏe, hạnh phúc, bình an và cuộc sống ấm no đủ đầy. Hàng năm, mỗi dịp lễ hội Dinh Bà đến, nơi đây lại thu hút người dân địa phương và rất nhiều khách du lịch đến hành lễ, bởi sự thiêng liêng kỳ lạ của nó. Đây cũng là một trong những địa điểm nên đi ở Phú Quốc mà BestPrice muốn gợi ý cho các cặp đôi đang yêu nhau và muốn sống bên nhau trọn đời.
>>> Lưu lại ngay 10 điểm du lịch không thể bỏ lỡ tại Phú Quốc.
Dinh Bà Ông Lang
Lễ hội Đình Thần Dương Đông
Mang nét đặc sắc tín ngưỡng rất riêng của người dân địa phương huyện đảo Phú Quốc. Lễ hội này được tổ chức từ ngày 10 - 11/1 âm lịch hàng năm, tại Đình Thần Dương Đông tọa lạc trên đường 30/4, khu phố 1 thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ những người có công trong việc mở làng lập ấp. Hàng năm, vào các ngày diễn ra lễ hội, người dân sẽ tụ họp về ngôi đình này để dâng lễ cúng thần và cầu nguyện cho một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đến với lễ hội Đình Thần Dương Đông, người dân và du khách ngoài việc cầu khấn còn được thưởng thức những tiết mục văn hóa vô cùng đặc sắc của người dân vùng biển đảo.
Đình Thần Dương Đông - Phú Quốc
Lễ hội Trai Đàn Sùng Hưng Cổ Tự
Vào 2 ngày cuối của tháng 7 âm lịch hàng năm, du lịch Phú Quốc bạn sẽ có cơ hội tham gia lễ hội Trai Đàn Sùng Hưng Cổ Tự được diễn ra tại Sùng Hưng Cổ Tự. Ngôi chùa được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, nằm trên đường Trần Hưng Đạo, gần ngay trung tâm thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. Đây là ngôi chùa được xây dựng theo phong cách truyền thống “trước miếu, sau chùa”, trong chùa được chia làm nhiều khu thờ cúng linh thiêng.
Hàng năm, cứ vào cuối tháng 7 âm lịch, ở đây sẽ diễn ra Đại lễ Trai Đàn với một số nghi thức lễ như: Công phu, động đàn, thỉnh tiêu diện thượng giàn, thí cổ, tiếp đãi khách quan,...Đến với lễ hội này, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng quần thể văn hóa tâm linh mang kiến trúc độc đáo của ngôi chùa cổ Sùng Hưng mà còn được nếm những mâm cỗ chay do chính các Phật tử và người dân nơi đây làm.
Ngôi chùa cổ Sùng Hưng - Phú Quốc
Lễ hội Dinh Cậu
Dinh Cậu không chỉ là một trong những bãi biển đẹp ở Phú Quốc mà nó còn là nơi diễn ra rất nhiều lễ hội đặc sắc. Trong đó có lễ hội Dinh Cậu được tổ chức vào ngày 15/10 âm lịch hàng năm, mang ý nghĩa cầu an và cầu một mùa bội thu cho ngư dân vùng biển. Đây là một trong các lễ hội ở Phú Quốc được nhiều du khách yêu thích và khám phá nhất.
Lễ hội này cũng được chia thành hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trong khuôn viên Dinh Cậu, rất trang trọng, người dân cùng nhau dâng lễ tỏ lòng thành kính trước các vị thần và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, mùa màng bội thu. Phần hội diễn ra rất sôi động với nhiều trò chơi, cuộc thi thu hút đông đảo người dân cũng như khách du lịch như: đùa thuyền, đi cà kheo, đập nội, bắt vịt trên biển,...
Khu vực Dinh Cậu
Lễ hội đua thuyền truyền thống
Phú Quốc có lễ hội gì nổi tiếng? Được tổ chức hàng năm ở bãi biển Dinh Cậu, diễn ra vào dịp kỷ niệm 30/4. Đây là lễ hội đua thuyền vô cùng sôi động, thu hút rất nhiều người tham gia, từ người già người trẻ đến các nam thanh nữ tú trên đảo đều tham gia rất nhiệt tình. Lễ hội thể hiện nét sinh hoạt văn hóa vô cùng độc đáo, mang tính truyền thống rất riêng của cư dân huyện đảo Phú Quốc. Lễ hội đua thuyền còn là nơi để người dân rèn luyện thân thể, ý chí, thử thách sự dẻo dai, tạo động lực để mọi người cùng phấn đấu, vươn lên làm ăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Người dân tham gia lễ hội đua thuyền ở Phú Quốc
Lễ hội Lăng Ông Nam Hải
Phú Quốc có rất nhiều lễ hội đặc sắc, trong đó có lễ hội Lăng Ông Nam Hải, được tổ chức vào ngày 15/2 âm lịch hàng năm tại Khu phố 9, Phường Dương Đông, Phú Quốc. Với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, ngư dân đi biển thuận lợi, gặp nhiều cá tôm, lễ hội được người dân tổ chức rất trang trọng. Cũng giống như các lễ hội khác ở Phú Quốc, phần lễ của lễ hội này được tổ chức rất trang nghiêm để bày tỏ lòng biết ơn đối với Cá Ông và các vị tiền hiền, hậu hiền đã có công khai mở vùng đảo này và phù hộ cho ngư dân bình an trước sóng to gió lớn của biển cả, mang về những thuyền đầy ắp cá tôm. Phần hội được tổ chức sôi động, với đờn ca tài tử, và các trò chơi dân gian vô cùng thú vị.
Lăng Ông Nam Hải
Lễ hội Thủy Long Thánh Mẫu
Thủy Long Thánh Mẫu là thần nước, vị thần được xem là người có công khai phá huyện đảo Phú Quốc, được người dân Phú Quốc rất mực tôn kính. Vì vậy, họ đã xây dựng Dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu, nằm trên đường Võ Thị Sáu, thị trấn Dương Đông để thờ bà. Hàng năm, vào ngày Rằm tháng giêng âm lịch, người dân Phú Quốc sẽ tập trung tại Dinh Bà và làm lễ cúng tế. Đây cũng là một trong những lễ hội mà bạn không nên bỏ qua khi đến Phú Quốc.
Thủy Long Thánh Mẫu
Mỗi lễ hội đều mang một nét văn hóa đặc sắc riêng, đó là những nét đẹp truyền thống mà cha ông đã xây dựng và để lại cho con cháu đời sau. Vì vậy, mỗi người dân trên huyện đảo Phú Quốc nói riêng và người dân trên đất nước Việt Nam nói chung cần phải chung tay gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể này.