Cùng đẳng cấp nhưng thua kết nối, hạ tầng
Ba tháng đầu năm 2024 là thời gian "đại thắng" của du lịch Phú Quốc trên mặt trận truyền thông quốc tế. Tờ DestinAsian, tạp chí du lịch và phong cách uy tín thế giới, đã gọi tên Phú Quốc là một trong 10 điểm đến biển đẹp nhất châu Á. Phú Quốc đã đứng bên cạnh các "thiên đường biển" lừng danh khác như Maldives, Bali của Indonesia hay Boracay của Philippines.
Còn tờ Tatler Asia, một ấn phẩm của Conde Nast tại Anh, gọi Phú Quốc là một niềm tự hào của VN và sự lựa chọn mới mẻ thay cho những điểm đến quen thuộc như Krabi (Thái Lan) hay Bali (Indonesia). Một trong những lý do giúp Phú Quốc góp mặt trong danh sách này chính là những bãi biển tuyệt đẹp với cát trắng mịn màng, làn nước trong xanh và đa dạng địa hình rừng biển để du khách khám phá. Tờ tạp chí khẳng định đây sẽ là nơi hoàn hảo để chữa lành và nạp lại năng lượng.
Thiên nhiên Phú Quốc không thua kém bất kỳ thiên đường nghỉ dưỡng biển nào trên thế giới
Khi được đưa lên bàn cân so sánh với các thiên đường biển lừng danh, dù là "tân binh" nhưng Phú Quốc nổi bật với vẻ đẹp độc đáo, khơi dậy sự tò mò, hứng thú cho các tín đồ du lịch trên khắp thế giới. Thế nhưng, nếu nhìn vào lượng khách quốc tế đến thì "đảo ngọc" của VN vẫn còn cách khá xa so với các đảo du lịch khác trong khu vực. Trước dịch, lượt khách quốc tế đến Phú Quốc chỉ tương đương khoảng 6% lượt khách quốc tế đến Phuket, 11% đến Bali và 60% đến Boracay. Tổng kết năm 2023, Phú Quốc tuy đã kịp "lội ngược dòng" trong quý cuối cùng nhưng cũng chỉ cán mốc gần 550.000 lượt khách quốc tế, trong khi con số này ở Phuket là hơn 8,3 triệu lượt, đảo Bali đón hơn 5 triệu lượt khách.
Một trong những nguyên nhân là số lượng đường bay thẳng và tần suất chuyến bay kết nối Phú Quốc với thị trường quốc tế vẫn còn hạn chế. Theo báo cáo từ Savills Hotels, trong khu vực, Phuket và Bali có lợi thế kết nối hàng không quốc tế với tần suất đa dạng và nhiều đường bay hơn, bao gồm các đường bay từ các thành phố lớn như Singapore, Thượng Hải và Hồng Kông. So với Phú Quốc, số chuyến bay hằng ngày đến Phuket và Bali lần lượt nhiều hơn 150% và 430%.
Ngoài ra, Phuket và Bali cũng có kết nối hàng không với cửa ngõ giao thông quốc gia thường xuyên hơn. Trung bình mỗi tuần sẽ có khoảng 330 chuyến bay từ Phuket đến Bangkok, 400 chuyến bay từ Bali đến Jakarta trong khi đó Phú Quốc chỉ có khoảng 160 chuyến bay đến TP.HCM và 90 chuyến bay đến Hà Nội. Con số này hiện đã giảm rất nhiều và mạng bay kết nối Phú Quốc với các địa phương cũng ngày càng thu hẹp. Giờ đây, khách nội địa đến Phú Quốc bằng đường hàng không hiện chỉ còn 3 lựa chọn xuất phát, từ Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM thay vì có thể bay từ Cần Thơ, Nha Trang (Khánh Hòa) và Đà Nẵng như trước.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở lưu trú tại Phú Quốc còn khá khiêm tốn. Hiện nay, ngành lưu trú Phú Quốc cung cấp khoảng 25.000 phòng, với phần lớn là các cơ sở nhỏ, do hộ kinh doanh địa phương tự vận hành. Số lượng phòng thuộc phân khúc hạng sang, cao cấp (upper upscale - luxury) tuy ngày càng nổi tiếng trên trường quốc tế về kiến trúc độc bản, xa hoa và "được lòng" nhiều tỉ phú thế giới nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 15% tổng nguồn cung. Tổng nguồn cung lưu trú tại Phú Quốc chỉ tương đương 27% so với Phuket và 31% so với Bali.
Chiếc áo cơ chế phải tiếp tục được nới ra để Phú Quốc bứt phá
Cần tiếp tục mạch cơ chế "phi thường"
Thực trạng trên cho thấy Phú Quốc đang cần một chiếc áo cơ chế mới để bứt phá trong giai đoạn tới.
Nhấn mạnh việc cần tiếp tục trao cho Phú Quốc những cơ chế "phi thường", PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, phân tích: Phú Quốc giai đoạn vừa qua đã bị "mất đà", phát triển chậm lại vì một số lý do. Đầu tiên, Phú Quốc đã từng bị chậm một nhịp quan trọng trong nỗ lực trở thành trung tâm phát triển đẳng cấp cao khi dự luật Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt không được thông qua năm 2018. Sau đại dịch, chúng ta tiếp tục bỏ lỡ thời cơ đưa Phú Quốc kéo cả nền kinh tế VN phục hồi.
"Ở thời điểm cả thế giới đang chống chọi với dịch bệnh thì một điểm đến đẹp, an toàn như Phú Quốc là nhất. Đáng lẽ phải tận dụng cái đó để trao cho Phú Quốc quyền mời thế giới, mời những "ông" hạng nhất tới, lấp đầy Phú Quốc bằng những chế độ visa riêng, bằng những đường bay thẳng kết nối riêng...
Song chúng ta đã bỏ qua, không làm. Mãi sau này mới trao cho Phú Quốc cơ chế visa nhưng khi trao rồi thì không phải đường bay nào cũng kết nối tới đây. Muốn đến thì phải bay tới TP.HCM, bay tới Hà Nội. Khi đó, chính sách visa riêng không còn ý nghĩa", ông Thiên thẳng thắn và dẫn chứng: Sau đó, đáng ra phải tranh thủ tiếp những cơ chế, phối hợp du lịch và hàng không, du lịch với y tế để tạo nên một tọa độ đầy đủ điều kiện, dịch vụ cung ứng cho khách nhưng cũng làm không được. Vé máy bay quá cao tác động đến hành vi du lịch của khách nội địa. Khách đến ít, sinh ra chụp giật. Trong khi định hình ở đẳng cấp cao đòi hỏi Phú Quốc phải có văn hóa ở đẳng cấp cao, môi trường du lịch cực kỳ trong sạch.
Ngoài ra theo PGS-TS Trần Đình Thiên, dù được tạo điều kiện thuận lợi và có được một số ưu đãi, song về cơ bản Phú Quốc vẫn vận hành trong khuôn khổ thể chế của một đơn vị hành chính cấp huyện thông thường, với mức độ lệ thuộc cơ chế, chính sách và ngân sách rất cao. Chính khuôn khổ thể chế "thông thường" là một trong những nguyên nhân chủ yếu hạn chế khả năng phát huy năng lực, thu hẹp các cơ hội phát triển khác thường và to lớn ở tầm quốc gia và toàn cầu của Phú Quốc.
"Phú Quốc tới đây tiến lên du lịch đẳng cấp cao, đón tiếp những giới tài phiệt trên thế giới có thể cần một sân bay trực thăng, họ chỉ nghỉ 2 - 3 giờ, tiêu tiền rồi bay đi. Chính quyền Phú Quốc phải có quyền để đảm bảo luôn sẵn sàng đón được những vị khách đòi hỏi các dịch vụ đặc biệt như vậy", ông Thiên nhấn mạnh.
Với hướng tiếp cận như vậy, PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng trong giai đoạn tới, để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế khác biệt và to lớn của Phú Quốc, cần tạo điều kiện để TP này phát triển theo logic "tiến vượt", nhanh chóng khẳng định tư cách một thế lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế hàng đầu của nền kinh tế, coi đây là một sứ mệnh quốc gia, là nhiệm vụ chiến lược ưu tiên của cả nước và của vùng ĐBSCL chứ không phải là nhiệm vụ đặc thù, riêng biệt của Kiên Giang, chủ yếu phục vụ lợi ích phát triển cục bộ của TP.
"Ngay từ đầu, Phú Quốc đã được định hình thành đặc khu hành chính kinh tế, nghĩa là một cấu trúc đặc biệt của quốc gia, thuộc Chính phủ, cấp Trung ương. Như vậy, Phú Quốc sẽ có một không gian, thể chế thật sự cởi mở để phát triển. Những sự cố "lỡ nhịp" không thể làm thay đổi quỹ đạo phát triển mang tính "tất định" của Phú Quốc - quỹ đạo phát triển theo logic đặc cách - vượt cấp. Cơ chế đã làm cho Phú Quốc phát triển thần kỳ cho đến nay và những quy hoạch tiếp theo vẫn đang theo mạch đó, để Phú Quốc phát triển thần kỳ hơn nữa", PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Nguồn: Thanh Niên