Sân bay Phú Quốc sắp thoát cảnh quá tải
Bài đăng ngày 24 Tháng 2, 2025
Là cửa ngõ giao thông quan trọng của đảo Ngọc, sân bay Phú Quốc đang đứng trước sức ép quá tải khi lượng khách du lịch liên tục tăng cao. Trước thực trạng này, kế hoạch nâng cấp sân bay đã được đề xuất nhằm mở rộng nhà ga, nâng công suất phục vụ và cải thiện hạ tầng. Đây không chỉ là giải pháp cần thiết để đảm bảo khả năng khai thác bền vững mà còn là bước chuẩn bị quan trọng khi Phú Quốc trở thành điểm tổ chức APEC 2027.
visitphuquoc
Thêm vào mục Yêu thích người đã thêm điều này
In

1. Giới thiệu về sân bay Phú Quốc

1.1 Vị trí chiến lược và vai trò của sân bay Phú Quốc

Sân bay Phú Quốc (Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc), chính thức đi vào hoạt động từ ngày 2/12/2012, tọa lạc tại xã Dương Tơ, cách trung tâm thị trấn Dương Đông khoảng 10km về phía Nam. Nhờ vị trí thuận lợi, sân bay giúp kết nối nhanh chóng với các khu du lịch nổi tiếng ở Nam đảo cũng như Bắc đảo. 

Sân bay Phú Quốc là cửa ngõ quan trọng kết nối du khách đến thiên đường đảo Ngọc (Ảnh: sưu tầm)

Vai trò của sân bay Phú Quốc không chỉ dừng lại ở việc phục vụ giao thông đường hàng không mà còn góp phần thúc đẩy Phú Quốc trở thành điểm đến du lịch trọng điểm. Đồng thời, sự phát triển của sân bay cũng tạo động lực lớn cho kinh tế - thương mại, thu hút đầu tư và mở rộng các dịch vụ kinh doanh trên đảo.

Bên cạnh đó, nhờ vào vị trí chiến lược giữa vịnh Thái Lan, sân bay đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng kết nối đảo Ngọc với các trung tâm kinh tế lớn trong nước và quốc tế. 

1.2 Quy mô thiết kế 

Sân bay Phú Quốc được khởi công xây dựng năm 2008 theo tiêu chuẩn 4E của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), có khả năng tiếp nhận các loại máy bay thân rộng như Boeing 747, Boeing 777, Airbus A350. Với tổng diện tích 905 ha, sân bay có một đường băng dài 3.000 m, rộng 45m, đảm bảo phục vụ các chuyến bay tầm xa.

Nhà ga hành khách được thiết kế với diện tích 24.000 m², công suất ban đầu đạt 2,65 triệu lượt khách/năm. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng du lịch mạnh mẽ, lượng khách đến Phú Quốc nhanh chóng vượt mức thiết kế. Đến năm 2018, nhà ga được mở rộng, nâng công suất lên 4 triệu lượt khách/năm. 

Hơn một thập kỷ qua, nhờ sự góp sức của các doanh nghiệp lớn, du lịch đảo Ngọc bùng nổ mạnh mẽ, và sân bay Phú Quốc đã trở thành một trong những cảng hàng không nhộn nhịp nhất Việt Nam. Đặc biệt, Phú Quốc còn là hòn đảo duy nhất tại Việt Nam miễn thị thực lên đến 30 ngày cho khách quốc tế, vị thế đảo Ngọc ngày càng được nâng cao trên bản đồ quốc tế, nên lượng khách ngoại đến ngày càng nhiều. Điều này tạo áp lực lớn cho sân bay Phú Quốc, khiến tình trạng quá tải ngày càng nghiêm trọng.

2. Thực trạng quá tải của sân bay Phú Quốc

Sân bay Phú Quốc đang trở thành nút thắt hạ tầng ngay cửa ngõ đón khách đến đảo Ngọc khi lượng hành khách liên tục vượt quá công suất thiết kế trong nhiều năm qua. Với công suất 4 triệu lượt khách/năm, nhưng thực tế khai thác đã vượt xa giới hạn này.

Năm 2023, sân bay phục vụ 5,4 triệu lượt khách, cao hơn 35% so với công suất thiết kế. Trong đó, lượng khách quốc tế tăng mạnh, gây áp lực lớn lên khu vực nhập cảnh và làm phát sinh tình trạng ùn tắc, khiến du khách bức xúc.

Sân bay Phú Quốc liên tục phải đối mặt với tình trạng quá tải (Ảnh: sưu tầm)

Bước sang năm 2024, sân bay đã phục vụ 4,143 triệu lượt khách, trong đó gần 2 triệu là khách quốc tế. Tại khu vực nhà ga, các quầy làm thủ tục, soi chiếu an ninh, nhập cảnh đều rơi vào tình trạng quá tải trong những dịp cao điểm. Hành khách phải xếp hàng dài để hoàn thành các thủ tục xuất, nhập cảnh, trong khi đó, khu vực đón/trả khách cũng gặp nhiều khó khăn do số lượng phương tiện và hành khách quá đông.

Sân bay Phú Quốc tiếp tục chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng chuyến bay quốc tế. Đặc biệt, vào dịp Tết Ất Tỵ 2025, mỗi ngày sân bay tiếp nhận gần 40 chuyến bay quốc tế, tương đương 10.000 - 12.000 lượt khách quốc tế.

Sự gia tăng mạnh mẽ của khách quốc tế là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch Phú Quốc, song cũng đặt ra bài toán về hạ tầng hàng không. Hiện tại, sân bay Phú Quốc chủ yếu phục vụ khách nội địa, trong khi khu vực dành cho khách quốc tế còn nhiều hạn chế. Chưa có nhà ga VIP đạt tiêu chuẩn quốc tế, dịch vụ trung chuyển còn thiếu đồng bộ và đường băng duy nhất cũng đang hoạt động hết công suất.

3. Tại sao cần gấp rút nâng cấp sân bay Phú Quốc?

3.1 Đảm bảo tăng trưởng du lịch và kinh tế đảo Ngọc

Gần đây, chuyên trang du lịch Mỹ Travel Off Path đã xếp Phú Quốc vào danh sách 5 điểm đến phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, nhờ vào sự tăng trưởng vượt bậc về hạ tầng và dịch vụ du lịch. Đồng thời, tạp chí Travel + Leisure cũng vinh danh Phú Quốc trong top 25 địa điểm truyền cảm hứng du lịch nhất thế giới năm 2025, sánh vai cùng các điểm đến nổi tiếng như Hawaii (Mỹ) và Phuket. Phú Quốc đang trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước. 

Tuy nhiên, hạ tầng sân bay hiện tại đã không còn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu di chuyển ngày càng tăng. Nếu không mở rộng kịp thời, tình trạng quá tải sẽ làm giảm chất lượng dịch vụ, ảnh hưởng đến trải nghiệm du khách và cản trở sự phát triển chung của ngành du lịch.

Bên cạnh đó, sân bay Phú Quốc cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và thương mại. Việc mở rộng sẽ giúp gia tăng khả năng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy giao thương và phát triển các ngành dịch vụ liên quan như logistics, thương mại điện tử, và vận tải hàng hóa…

3.2 Bài toán hạ tầng trước thềm APEC 2027

Việc Phú Quốc được lựa chọn là địa điểm tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2027 không chỉ là cơ hội để đảo Ngọc vươn tầm quốc tế mà còn đặt ra bài toán lớn về hạ tầng, đặc biệt là hệ thống hạ tầng hàng không. Sự kiện này dự kiến sẽ quy tụ nguyên thủ quốc gia, quan chức cấp cao và doanh nghiệp từ 21 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Với tầm quan trọng đặc biệt, APEC 2027 đòi hỏi Phú Quốc phải có một sân bay đạt chuẩn quốc tế để đảm bảo công tác tiếp đón và phục vụ các đoàn đại biểu cấp cao.

Phú Quốc được lựa chọn làm điểm tổ chức Diễn đàn Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2027 (Ảnh: sưu tầm)

Hiện tại, sân bay Phú Quốc vẫn còn nhiều hạn chế so với các tiêu chuẩn phục vụ một sự kiện quốc tế tầm cỡ. Khu vực VIP dành riêng cho nguyên thủ và quan chức cấp cao chưa được xây dựng, hệ thống an ninh và xuất nhập cảnh chưa đáp ứng yêu cầu khắt khe của một hội nghị toàn cầu. Đặc biệt, sân bay vẫn chỉ có một đường băng duy nhất, khiến khả năng khai thác bị giới hạn, dễ xảy ra tình trạng ùn tắc khi lưu lượng chuyến bay tăng cao trong thời gian diễn ra hội nghị.

Không chỉ phục vụ cho sự kiện APEC 2027, việc mở rộng sân bay Phú Quốc còn là bước chuẩn bị dài hạn cho các sự kiện tầm cỡ trong tương lai. Nếu hạ tầng hàng không không sớm được nâng cấp, Phú Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức APEC, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia cũng như khả năng cạnh tranh với các điểm đến du lịch - hội nghị khác trong khu vực. Đây không chỉ là áp lực, mà còn là động lực để Phú Quốc bứt phá, nâng cao vị thế trên bản đồ kinh tế và du lịch quốc tế.

4. Kế hoạch nâng cấp sân bay Phú Quốc

Trước tình hình quá tải và yêu cầu từ các sự kiện quốc tế sắp tới, việc nâng cấp sân bay Phú Quốc trở thành ưu tiên hàng đầu. Các chuyên gia hàng không đề xuất thúc đẩy xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân.

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã có tờ trình đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Phú Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, công suất khai thác của sân bay sẽ tăng từ 4 triệu lên 10 triệu lượt khách/năm vào năm 2030, và mở rộng lên 18 triệu lượt khách/năm vào năm 2050. Việc mở rộng này nhằm đảm bảo hoạt động ổn định, nâng cao chất lượng dịch vụ và giúp Phú Quốc trở thành trung tâm hàng không quan trọng trong khu vực.

Sân bay Phú Quốc cần được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu du lịch và phát triển kinh tế (Ảnh: sưu tầm)

Kế hoạch nâng cấp tập trung vào ba hạng mục chính. Trước tiên, nhà ga hành khách T2 sẽ được xây dựng với công suất 6 triệu khách/năm, nằm phía đông nhà ga T1, phục vụ chủ yếu các chuyến bay quốc tế. Bên cạnh đó, đường băng thứ hai với chiều dài 3.300m, cách đường băng hiện tại 360m về phía bắc, sẽ giúp nâng cao khả năng khai thác và giảm tải cho sân bay. Ngoài ra, nhà khách VIP cũng sẽ được xây dựng để phục vụ APEC 2027, sau đó sẽ được sử dụng cho các chuyến bay chuyên cơ và sự kiện quốc tế quan trọng.

Dự án này dự kiến thực hiện theo hình thức Đối tác công tư (PPP), huy động vốn từ khu vực tư nhân. Việc triển khai cần được đẩy nhanh để đảm bảo các hạng mục quan trọng như nhà ga T2, đường băng thứ hai và nhà khách VIP hoàn thành trước năm 2026, giúp Phú Quốc đủ điều kiện tổ chức thành công APEC 2027. Đây không chỉ là giải pháp ngắn hạn mà còn là bước đi chiến lược để đưa Phú Quốc vươn tầm quốc tế trong lĩnh vực hàng không, du lịch và hội nghị.

 

Nâng cấp sân bay Phú Quốc là việc cấp bách để đảo Ngọc đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Với sự tham gia của các nguồn lực tư nhân, dự án nâng cấp sân bay Phú Quốc được dự báo sẽ sớm hoàn thành, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao, góp phần đưa đảo Ngọc vươn tầm khu vực và thế giới.

 

visitphuquoc visitphuquoc