Phú Quốc vinh danh 6 cây cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam
Bài đăng ngày 01 Tháng 4, 2025
Sáu cây cổ thụ được công nhận lần này thuộc ba loài đặc trưng của Vườn quốc gia Phú Quốc, gồm cây trai Nam Bộ, kơ nia và kiền kiền Phú Quốc.
visitphuquoc
Thêm vào mục Yêu thích người đã thêm điều này
In

Những "dấu ấn xanh" của Phú Quốc được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Ngày 28/3/2025, Vườn quốc gia Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho 6 cây cổ thụ có tuổi đời từ 250 đến 800 năm. Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước tiến trong công tác bảo tồn thiên nhiên mà còn khẳng định vai trò quan trọng của những “nhân chứng sống” trong việc gìn giữ hệ sinh thái, văn hóa và phát triển du lịch của đảo Ngọc.

Lễ công bố Quyết định và trao Bằng công nhận 6 cây Di sản của VQG Phú Quốc (Nguồn:  CTTĐT Vườn Quốc Gia Phú Quốc)

Sự kiện có sự tham dự của nhiều lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cùng đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ vinh danh Cây Di sản, đánh dấu một cột mốc ý nghĩa trong nỗ lực bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Sáu cây cổ thụ được công nhận lần này thuộc ba loài đặc trưng của Vườn quốc gia Phú Quốc, gồm cây trai Nam Bộ, kơ nia và kiền kiền Phú Quốc. Tại xã Bãi Thơm, hai cây trai Nam Bộ nổi bật với kích thước ấn tượng: một cây cao 25m, chu vi gốc 13,5m, tuổi đời khoảng 700 năm; cây còn lại cao 26m, chu vi gốc 12,6m, ước tính 600 năm tuổi. 

Hình ảnh cây Kơ Nia (tên khoa học: Hopea pierrei Hance), thuộc họ Kơ nia - Irvingiaceae (Nguồn:  CTTĐT Vườn Quốc Gia Phú Quốc)

Trong khi đó, tại xã Gành Dầu, hai cây kơ nia gây chú ý với chiều cao vượt trội, một cây cao 35m, chu vi gốc 15m, tuổi thọ lên đến 800 năm; cây còn lại cao 30m, chu vi gốc 13,6m, khoảng 700 năm tuổi. Cũng tại Gành Dầu, hai cây kiền kiền Phú Quốc, mỗi cây cao 24m, chu vi gốc 4,5m, đều mang tuổi đời 250 năm, góp phần làm phong phú thêm danh sách Cây Di sản Việt Nam. Những cây này không chỉ là biểu tượng của sự trường tồn mà còn mang giá trị khoa học, gắn bó sâu sắc với lịch sử khai phá đảo Ngọc.

Hướng đi bền vững trong bảo tồn và du lịch sinh thái tại Phú Quốc

Nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang được UNESCO công nhận năm 2006, Vườn quốc gia Phú Quốc sở hữu diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ khoảng 36.000ha. 

Vườn Quốc gia Phú Quốc với diện tích hơn 31.000 ha cùng hệ động thực vật phong phú (Ảnh: sưu tầm)

Những cây cổ thụ được vinh danh không chỉ góp phần duy trì sinh thái môi trường mà còn gắn liền với đời sống người dân, sự phát triển kinh tế - xã hội và cả an ninh quốc phòng của Phú Quốc. Đây cũng là những “cột mốc xanh” khẳng định chủ quyền biển đảo, mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc.

Việc công nhận 6 cây cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam không chỉ nhằm bảo tồn nguồn gen cây gỗ lớn mà còn lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của thiên nhiên. Các loài cây như trai Nam Bộ (Fagraea fragrans Roxb) thuộc họ lậu bình và kiền kiền Phú Quốc (Hopea pierrei Hance) thuộc họ dầu lần đầu tiên được bổ sung vào danh sách Cây Di sản, thể hiện sự đa dạng sinh học của vùng.

Sự kiện này là minh chứng cho nỗ lực của Kiên Giang trong việc gìn giữ di sản thiên nhiên, đồng thời tạo động lực để Phú Quốc tiếp tục phát huy tiềm năng du lịch bền vững, gắn kết giữa con người và thiên nhiên. 

visitphuquoc visitphuquoc